CỐ ĐÔ HUẾ - KINH ĐÔ HOA LỆ XƯA
Nếu có dịp một lần ghé Huế, nhớ ghé qua Cố Đô Huế để tìm lại những kí ức về một thời phong kiến uy quyền hoa lệ của nước ta, ngắm vẻ đẹp vượt thời gian của những công trình còn sót lại vẫn hiện hữu ở hiện tại.
1. Cố Đô Huế ở đâu ?
Huế là thành phố nằm ở giữa Việt Nam, nơi giao thoa giữa 2 vùng Nam – Bắc và đã tạo nên một thánh địa lịch sử văn hóa đa dạng. Được biết đến là thủ đô cuối cùng dưới triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam và là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều hoàng đế, Huế nép mình trong vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương và mang đến cho du khách rất nhiều điểm tham quan lịch sử và văn hóa. Từ những cung thành cổ đến những khu lăng mộ điệu nghệ.
Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, Quần thể di tích Cố đô Huế có diện tích hơn 500 ha, bao gồm nhiều di tích lịch sử – văn hóa do nhà Nguyễn xây dựng trong thế kỉ 19 – 20. Cố đô Huế bao gồm 3 vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành. Với khung cảnh cổ kính, nguy nga cùng những công trình kiến trúc đặc sắc sẽ khiến bạn được chìm đắm vào cuộc sống cung đình xưa và tìm hiểu thêm về thời kì lịch sử nhà Nguyễn.
2. Các điểm đến không thể bỏ qua trong Cố đô Huế
-
Kinh Thành Huế
Kinh thành (vòng thành ngoài) của Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, bắt đầu vào mùa hè năm 1805 và kết thúc vào năm 1832. Kinh Thành có hơn 10 cửa ra vào và được thiết lập hơn 24 pháo đài để phòng thủ. Trong Kinh thành, nhà Nguyễn còn cho xây dựng nhiều lăng tẩm và các công trình lớn nhỏ khác như Kỳ Đài Trường, Quốc Tử Giám, Điện Long An,…
Dưới đây là một số công trình tiêu biểu bên trong Kinh thành:
- Kỳ Đài Trường
Kỳ Đài Trường còn gọi là Cột cờ và nằm chính giữa mặt năm của Kinh Thành Huế. Trước đây trong lịch sử, đây là nơi đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng tại Huế. Tại đây bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Huế xinh đẹp mộng mơ. Kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão - 1807) lúc đầu còn đơn giản, đến thời vua Minh Mạng, Kỳ đài Huế liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ đài được kiến trúc gồm hai phần: đài cờ và cột cờ.
Cột cờ được dựng ở vị trí chính của mặt bằng tầng cao nhất. Lúc đầu cột cờ làm bằng gỗ. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Năm 1904 một trận bão lớn xảy ra ở Huế gọi là trận bão năm Thìn (Giáp Thìn) cột cờ lại bị gãy, đến thời vua Thành Thái, cột cờ lại được dựng bằng chất liệu gang. Đầu năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một lần nữa cột cờ Huế bị đổ. Đến năm 1948 Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng cốt thép cao 37m như chúng ta hiện đang thấy. Như vậy, tổng chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Kỳ đài là 54,5m.
- Trường Quốc Tử Giám
Trường Quốc Tử Giám là di tích về trường đại học thời phong kiến duy nhất còn tồn tại và nay là trụ sở của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế. Tham quan Trường Quốc Tử Giám, bạn sẽ được ngắm nhìn ngôi trường xưa trong hoạ tiết trang trí tinh xảo trong một không gian thoáng đãng. Thời vua Gia Long, Đốc Học Đường gồm một toà nhà chính giữa và hai dãy nhà hai bên làm nơi giảng dạy cũng như nơi học tập của giám sinh. Nay được trung tâm Bảo Tồn di tích cố đô Huế sử dụng làm vườn ươm giống cây cảnh.
Hai bên dãy nhà Quốc Tử Giám Huế hiện nay gồm 32 tấm bia khắc tên 293 tiến sĩ triều Nguyễn bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định.
- Điện Long An
Được đánh giá là một trong những cung điện đẹp nhất ở Kinh thành, Điện Long An từng là nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch Điền mỗi đầu xuân. Đến nay, Điện Long An đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Đến đây, bạn sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp thanh nhã, lộng lẫy và giàu tính nghệ thuật của các chi tiết trang trí bên trong công trình kiến trúc độc đáo này. Điện Long An được xây dựng năm 1845, thời vua Thiệu Trị (1841-1847), tại bờ Bắc sông Ngự Hà để làm nơi nghỉ lại của nhà vua sau khi ông tiến hành lễ cày ruộng Tịch Điền - lễ mở đầu cho vụ mùa mới, mỗi năm tổ chức một lần vào mùa xuân.
-
Hoàng thành Huế
Nằm bên trong Kinh thành là Hoàng thành (hay còn gọi là Đại Nội), được giới hạn bởi một vòng tường thành vuông, mỗi chiều dài xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào. Trong đó, cổng độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô là Cổng Ngọ Môn.
- Ngọ Môn – Điểm nhấn đặc trưng của lịch sử Huế
Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành, nằm phía Nam kinh thành Huế. Đây là một tổng thể kiến trúc khá phức tạp, đồ sộ nguy nga, nhìn từ xa như một tòa lâu đài tráng lệ, nhưng cũng rất gần gũi, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người xứ Huế.
Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế, cũng được coi là bộ mặt của Hoàng thành và vương triều phong kiến. Ngọ Môn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng - vua thứ 2 của nhà Nguyễn. Đây là công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam với hàng vạn người thi công và khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình đền đài, miếu thờ bề thế và cung điện tráng lệ nguy nga. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thích thú trên hành trình thăm quan Đại Nội.
- Điện Thái Hòa – biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn. Là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần. Tên Điện Thái Hòa lấy gốc từ Kinh Dịch. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.
Điện Thái Hòa nằm trong khu vực Đại Nội Huế, là nơi đăng quang của vua triều Nguyễn. Đây được coi là trung tâm của kinh thành Huế, cũng là trung tâm của đất nước, là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình.
-
Tử Cấm Thành
Tử Cấm thành Việt Nam được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Ban đầu gọi là Cung thành. Các vua đời sau tiếp tục xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) mới đổi tên là Tử Cấm thành nghĩa là Thành cấm màu tía.
Tử Cấm Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế và đây cũng là nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Đến thăm quan Tử Cấm Thành, bạn sẽ mường tượng được phần nào cuộc sống vua chúa xưa. Một số các công trình tiêu biểu trong Tử Cấm Thành có thể kể đến như Thái Bình Lâu, Điện Cần Chánh, Duyệt Thị Đường,…
Nếu như Điện Cần Chánh là nơi vua thiết triều và thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình thì Thái Bình Lâu lại được vua Khải Định cho xây dựng làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi cho nhà vua và được hoàn thành sau 3 năm. Thái Bình Lâu gây ấn tượng với du khách bằng các chi tiết trang trí rồng, phượng có giá trị nghệ thuật lớn trong một không gian thanh bình và tao nhã.
Điện Cần Chánh xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành. Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899, vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX. Điện Cần Chánh bị cháy năm 1947, đến nay kế hoạch phục hồi Điện Cần Chánh đang được thực hiện.
3. Ngoài kinh thành Huế
- Bao Vinh – Phố cổ “bí mật” giữa kinh thành Huế
Trên bản đồ du lịch Huế, có thể Phố cổ Bao Vinh là cái tên khá lạ lẫm với nhiều du khách. Phố cổ Bao Vinh từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, người ta vẫn gọi Bao Vinh là phố cổ bởi nó đã tồn tại từ rất lâu, đã từng là một phố cảng trong chuỗi cảng thị Thanh Hà – Bao Vinh sầm uất, khi các thương thuyền Trung Quốc, Ma Cao cũng như một số nước châu Âu đến đây buôn bán, trao đổi hàng hoá. Dấu tích còn lại của một thời vàng son ấy là những ngôi nhà cổ đã gần 200 năm tuổi.
Bên ngoài Kinh thành Huế còn có các Lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn. Lăng tẩm là nơi để các vị vua đến để nghỉ ngơi khi còn sống và cũng là nơi để an táng vua. Mỗi lăng tẩm lại mang một sắc thái riêng phản ánh tính cách của mỗi đời vua nhà Nguyễn.
- Lăng Khải Định
Nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ 10 km, Lăng Khải Định là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là công trình nổi bật nhất trong tất cả những lăng tẩm khác, nhờ những vật liệu xây dựng tân thời và ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc.
Lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con mình là Bảo Đại. Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn.
- Lăng Tự Đức
Không giống như vẻ đẹp ngông nghênh và bố cục ngạo nghễ của lăng Khải Định, Lăng Tự Đức Huế với vẻ nhã nhặn, nằm trong khung cảnh sơn thủy hữu tình được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc lăng tẩm đẹp nhất thời Nguyễn ở thế kỷ 19. Ngày nay, dù đã bị thời gian làm nhạt phai đi nhiều đường nét nhưng nó vẫn mang đậm phong cách Nho giáo, trầm mặc, toát lên vẻ vương giả không thể nhầm lẫn vào đâu được.
Quần thể này đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và trở thành di tích lịch sử đầu tiên của Việt Nam góp mặt vào bảo tàng số hóa 3D của Google Arts & Culture vừa qua.
- Lăng Minh Mạng
Nếu Lăng Tự Đức là một bức tranh sơn thủy hữu tình, phản ánh tính cách thi sũ của vua Tự Đức. Lăng Khải Định độc đáo với nét văn hóa Đông Tây kết hợp thể hiển phần nào tính cách Vua Khải Định thích chơi ngông. Thì lăng Minh Mạng lại bộc lộ đầy đủ cá tính của một ông vua đắc đạo.
Lăng Minh Mạng là một trong những lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn. Toàn bộ khuôn viên La thành có diện tích 1.750m được sắp xếp đăng đối với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng đẹp mắt. Nhìn từ trên cao, hình dáng của lăng tựa như dáng một người đang nằm nghỉ ngơi rất tự nhiên và thoải mái: Đầu hướng về phía núi Kim Phụng, hai bên hông là hai bên hồ Trừng Minh còn chân lại đặt lên ngã ba sông đầy thoải mái.
Tham khảo tour Tết Nguyên đán: https://grouptourvn.com/tours/tet-nguyen-dan-cid-259.html
------------------------------------
ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY
HỒ CHÍ MINH: 91 Lê Quốc Hưng, Quận 4
ĐÀ NẴNG : Số 11 Phan Đình Phùng, Hải Châu
HÀ NỘI: 18 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
grouptourvn.com
Tổng đài 19001868 - 0909886688
Khiếu nại : 0908886688
#grouptourvn #Dulichgrouptourvn #dulichtet2021 #Tourtet2021 #Hue #CoDoHue #KinhThanhHue #HoangThanhHue #LangTuDuc #LangMinhMang #LangKhaiDinh #PhoCoBaoVinh